Văn hóa khẩu trang

Văn hóa khẩu trang, khăn che mặt đã xuất hiện hàng trăm năm qua nhưng tác dụng kháng khuẩn, chống dịch bệnh thì mới chỉ hơn 100 năm trở lại đây

Khẩu trang đã ra đời từ lâu trong lịch sử nhân loại. Sử sách Trung Quốc từ thế kỷ XIII ghi chép lại, trong bữa tiệc các vị quan lại tiếp khách đối ngoại có đeo quanh miệng một mảnh vải lụa nhằm ngăn không cho hơi thở của họ “ám” vào thức ăn, tuy nhiên chỉ xuất hiện ở những nơi quyền quý và hoàn toàn chưa có mục đích phòng ngừa bệnh tật.

Mùa hè năm 1619, khi bệnh dịch hạch đang hoành hành gây chết người hàng loạt ở các quốc gia châu Âu, trình độ y học chưa hiểu biết hết về nguyên nhân, cơ chế truyền bệnh, hầu như tất cả bệnh nhân bị nhiễm đều chết vì không có thuốc chữa nên ý tưởng về việc phòng ngừa dịch bệnh xuất hiện.

Bác sĩ Charles de Lorme làm việc ở Pháp nhận thấy nhiều đồng nghiệp bị lây khi tham gia những ca mổ xác, ông nghĩ rằng nguyên nhân từ mùi “tử khí” từ xác chết. Vì thế, sau nhiều ngày nghiên cứu, ông đã cho ra đời chiếc khẩu trang đầu tiên của nhân loại. Nó làm bằng những thanh gỗ thông mỏng, uốn thành hình cái mỏ con chim.

Một bác sĩ người Mỹ tên là Collin cũng nghĩ ra một loại khẩu trang khác như một cái túi trùm đầu bằng vải, có khoét lỗ cho hai con mắt để tránh nguồn lây nhiễm thủy đậu.

Sau này, nhiều loại khẩu trang y tế khác nhau được các nước sáng tạo để sử dụng như: Khẩu trang dựa theo hình dáng của tấm mạng phụ nữ các quốc gia đạo Hồi dùng để che mặt. Đến cuối thế kỷ XIX, khẩu trang vẫn được mặc định là chỉ dành riêng cho ngành y, nhưng trong đại dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918-1920 lây nhiễm cho nửa tỷ người (1/4 nhân loại trên toàn Trái đất lúc ấy), giết chết khoảng 50 triệu người, thì quan niệm về chiếc khẩu trang mới bắt đầu thay đổi.

Các bác sĩ Anh quốc chế ra loại khẩu trang chỉ che kín phần miệng, mũi, có thể dùng cho tất cả mọi người dù nhiễm bệnh hay không, mỗi khi ra đường đều phải đeo. Đó cũng là chiếc khẩu trang phổ thông đại chúng đầu tiên.

Đến năm 1930, khẩu trang được làm bằng nhựa trong, sử dụng phổ biến trong giới đi xe phân khối lớn để vừa ngăn được bụi, lại vừa không làm giảm tầm nhìn. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khẩu trang trở nên phổ biến để ngăn bụi, giảm mùi tử thi bị thiệt mạng. Từ năm 1947, vải không dệt cấu tạo từ nhựa tổng hợp với một số thành phần các chất khác nhau tùy theo mục đích sử dụng ra đời, có tính chất nhẹ và xốp. Từ loại vải không dệt này, chiếc khẩu trang y tế có cấu tạo và hình dạng như ngày nay.

Người Nhật có câu “nói bằng đôi mắt nhiều hơn nói bằng miệng” thể hiện mối quan hệ khăng khít của người dân với những chiếc khẩu trang. Khẩu trang còn xuất hiện nhiều trong ngành thời trang và làm đẹp với nhiều mẫu, có loại chống tia cực tím, làm mát, ngăn mờ kính, giúp làm gọn mặt…

Hiện tại, trên thế giới lưu hành nhiều loại khẩu trang, từ loại kháng virus, kháng khuẩn, kháng bụi đến loại kháng bụi mịn và thậm chí kháng cả bụi phóng xạ, hầu hết được làm từ vải không dệt.

Trong những ngày mà cả thế giới đang quay cuồng vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra thì khẩu trang là mặt hàng bán chạy nhất. Khẩu trang trở thành mặt hàng có chỗ đứng trên thị trường; là loại sản phẩm dùng để tặng trong quan hệ đối ngoại.

Nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi hẳn quan niệm về sử dụng khẩu trang. Nếu ở rất nhiều nước trên thế giới, xưa nay họ không có khái niệm đeo khẩu trang; còn tỏ thái độ kỳ thị người dùng khẩu trang và đây chính là tác nhân lây truyền nhiễm bệnh nhanh nhất. Dịp Covid này, đa số các nước đã được cảnh tỉnh, thực hiện triệt để biện pháp đeo khẩu trang, cách ly xã hội.

Văn hóa và lịch sử khẩu trang
Ban Giám đốc Xí nghiệp May Cục Hậu cần Quân khu 7 kiểm tra khâu vệ sinh công nghiệp khẩu trang.

Ở Việt Nam, đeo khẩu trang khi ra đường từ rất lâu đã là động tác quen thuộc, phổ thông; là hành vi ứng xử có văn hóa trong bảo vệ sức khỏe bản thân, bảo vệ cộng đồng. Khẩu trang để chống nắng mùa hè; giảm nhiệt, chống lạnh mùa đông; giảm khói bụi, giảm bị tác động bởi ô nhiễm môi trường. Người người dùng khẩu trang khi bị cảm cúm… 

Và khi “giặc” Covid đến, khẩu trang lên ngôi, trở thành mặt hàng “nóng”. Khẩu trang được quy định trong hội nghị, khi tham gia hoạt động công cộng, đông người. Trước đây, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng (theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). Tuy nhiên, từ ngày 15-11, thời điểm Nghị định 117 chính thức có hiệu lực, hành vi trên sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng gấp 10 lần, từ 1 đến 3 triệu đồng.

Chúng là vật dụng tiện ích, hữu dụng, rẻ tiền và thực hiện đeo khẩu trang không phải là vấn đề khó. Cái “khó” chính là ý thức của bản thân mỗi người trong chấp hành. Việc thực hiện đeo khẩu trang theo quy định chẳng những bảo vệ bản thân và cộng đồng, góp phần phòng, chống dịch bệnh, xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh. Khi đã là quy định cụ thể, cần được thực hiện nghiêm chỉnh, đó là nét văn hóa trong xã hội cần được phổ biến và toàn xã hội tôn trọng thực hiện.

Gần đây, có nhà sản xuất còn đưa hình cờ đỏ sao vàng với khẩu hiệu “Tự hào Việt Nam” không đơn giản là thông điệp Việt Nam phòng chống Covid-19, là tình yêu Tổ quốc, mà nhắc nhở mỗi con người trong xã hội có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước “miễn dịch” trước đại dịch đang phức tạp khó lường trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn bài viết: quankhu2.vn


Chat online  
Zalo

Giỏ hàng

gọi ngay