Thực trạng không khí – Nguyên nhân bệnh hô hấp – Cải thiện và bảo vệ sức khỏe chính mình
1. Thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Theo bảng xếp hạng các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới ngày 31/10/2019 (Airvisual), tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội đứng thứ 16 còn TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 53. Thời gian có nồng độ bụi mịn, siêu mịn cao thường là vào ban đêm và sáng sớm vì đó là các khoảng thời gian gió lặng cùng với nhiệt độ giảm hơn so với ban ngày càng làm cho không khí ô nhiễm không thể khuếch tán, duy trì ở mức cao.
Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người.
2. Ô nhiễm không khí – Nguyên nhân gây các bệnh đường hô hấp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Nguồn gốc của tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động của con người như khí thải của các xe cơ giới, hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, lọc dầu, đốt rác thải công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nấu ăn, sưởi ấm nhiên liệu.
Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí như CO, SO2, NO2. Các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí. Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn. Bên cạnh đó còn có các hạt bụi mịn (nhỏ hơn 1/30 đường kính sợi tóc) thì mắt thường không thể nhìn thấy hay cảm nhận lại là tác nhân gây ra các vấn đề bệnh đường hô hấp nghiêm trọng như: các phản ứng viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, tấn công sau vào mạch máu và quả tim.
Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.
Ở người lớn có sức khoẻ bình thường cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực, khó thở khi hít thở trong bầu không khí bị ô nhiễm. Và những triệu chứng này sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện. Còn đối với người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, COPD tính có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn, thở khò khè. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc bị ô nhiễm không khí cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về bệnh đường hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.
3. Cải thiện chất lượng không khí – Bảo vệ sức khoẻ của chính mình
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bụi mịn giảm 20 – 70 μg/m3 thì tỷ lệ người có nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cũng giảm 15%.
Để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, mọi người nên hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Khẩu trang bằng vải cotton sẽ giúp ngăn chặn khoảng 30% các hạt bụi trong không khí. Các loại khẩu trang chuyên dụng dành cho các phẫu thuật viên sẽ ngăn chặn được khoảng 80% bụi. Đặc biệt khẩu trang sợi hoạt tính Kissy có thể lọc phần lớn khí ô nhiễm và bụi mịn PM 2.5, mọi người có thể tham khảo thêm thông tin sản phẩm tại đây. Bên cạnh đó, trong gia đình cần tránh khói từ bếp than, bếp củi, từ người hút thuốc lá, thuốc lào trong phòng kín, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên.
Đối với toàn xã hội, thực hiện nghiêm chỉnh luật bảo vệ môi trường, quản lý là kiểm soát ô nhiễm không khí hay những nguồn tác nhân gây ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp như:
- Thay thế các trang thiết bị cũ bằng trang thiết bị hiện đại;
- Quản lý và xử lý chặt chẽ các chất thải hay khí thải ra ngoài ngoài môi trường;
- Sử dụng buồng lắng bụi, lọc bụi để giảm ô nhiễm không khí;
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nhiên liệu như than đá, củi, dầu trong sản xuất hay tiêu dùng hàng ngày;
- Phòng, chống cháy rừng;
- Hạn chế đốt rơm rạ;
- Trồng nhiều cây xanh.
Nhằm duy trì, củng cố “hàng rào” bảo vệ sức khoẻ của chính mình mọi người nên:
- Tránh các hoạt động thể dục mạnh khi ở nơi bị ô nhiễm không khí, khiến phải hít thở nhanh hơn hoặc sâu như đạp xe, chạy bộ…;
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, lau khăn ướt; trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, trên đường đi giúp làm sạch không khí;
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ sức khỏe chung và tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm;
- Có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, như rau xanh và đậu cá, thịt, trứng và sữa. Bổ sung các bữa ăn phụ với các chế phẩm giàu vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn cần thiết cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe.
Trường hợp xuất hiện những triệu chứng dai dẳng như ho, khó thở, đau mắt, ngứa họng – người dân cần đi khám bác sĩ ngay nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mãn tính khác hay khởi phát triệu chứng của một căn bệnh tim mạch.